Aptomat là gì? Tìm hiểu cấu tạo Aptomat và lý do nên sử dụng Aptomat
Aptomat là từ có bắt nguồn từ tiếng Nga, nhưng trong tiếng Anh là Circuit Breaker (CB hay MCCB, MCB), là để chỉ một thiết bị điện được thiết kế và hoạt động theo nguyên lý của một cầu dao có khả năng đóng ngắt tự động. Trong hệ thống điện, Aptomat rất quan trọng, có chức năng bảo vệ hệ thống tránh khỏi hiện tượng ngắn mạch hoặc quá tải, giảm các nguy cơ chập, cháy, nổ, mất an toàn điện. Hiện nay, Aptomat ngày càng được thiết kế tiên tiến hơn, một số loại còn có khả năng phòng chống rò rỉ điện hoặc chống giật. Sử dụng aptomat cho hệ thống điện còn giúp giảm thiểu chi phí sửa chữa thiết bị và những sự cố không đáng có khác.
Cấu tạo cơ bản của Aptomat
Các loại Aptomat thường có cấu tạo giống nhau gồm 2 cấp tiếp điểm (tiếp điểm chính và hồ quang) hoặc 3 cấp tiếp điểm (tiếp điểm chính, tiếp điểm phụ và hồ quang). Khi mạch điện được đóng lại, các tiếp điểm sẽ lần lượt đóng từ hồ quang tới tiếp điểm phụ và tiếp điểm chính sau cùng. Khi mạch điện bị ngắt, quá trình mở các tiếp điểm sẽ diễn ra ngược lại.
Aptomat có cấu tạo như vậy để đảm bảo rằng hiện tượng hồ quang điện sẽ chỉ xảy ra trên một tiếp điểm, bảo vệ các tiếp điểm còn lại và hệ thống điện khi có sự cố xảy ra. Đối với các Aptomat có 3 tiếp điểm, tiếp điểm chính sẽ có khả năng được bảo vệ tốt hơn vì được ngăn cách với tiếp điểm hồ quang qua tiếp điểm phụ.
Ngoài kết cấu cơ bản như trên, Aptomat còn có các bộ phận khác là dập hồ quang, cơ cấu truyền động cắt và móc bảo vệ. Dập hồ quang thường có 2 kiểu: nửa kín & nửa hở. Cơ cấu truyền động cắt có thể được điều khiển bằng tay hoặc cơ điện. Móc bảo vệ Aptomat thường có 2 kiểu là rơ le và điện tử.
Lý do nên sử dụng Aptomat?
Nên sử dụng Aptomat, đặc biệt là cho thiết bị gia dụng công suất lớn. Các thiết bị gia dụng thường được sử dụng đồng thời tại một thời điểm, đặc biệt có những thiết bị có công suất lớn sử dụng liên tục trong thời gian dài mà không có Aptomat sẽ dễ gây ra hiện tượng hồ quang điện, dây dẫn trong hệ thống mạch điện tăng nhiệt nhanh chóng, nguy cơ quá tải, chập mạch và cháy, nổ là rất cao. Khi xảy ra những hiện tượng này, không chỉ đe dọa đến sự an toàn của người sử dụng, mà còn để lại hậu quả khá nghiêm trọng về kinh tế khi một loạt thiết bị điện sẽ bị gián đoạn hoạt động, chập chờn hoặc hỏng hóc đến các vi mạch điện tử bên trong, chi phí sửa chữa sẽ cao, thậm chí cần thay thiết bị mới. Sử dụng Aptomat sẽ hạn chế tối đa thiệt hại cho thiết bị điện khi đã kịp thời ngăn chặn vấn đề từ hệ thống điện, đồng thời đảm bảo an toàn cho người sử dụng khỏi các nguy cơ bị điện giật hay hỏa hoạn.
>> Xem thêm: Tại sao nên sử dụng aptomat chống giật cho bình nóng lạnh?
Lựa chọn Aptomat phù hợp với sinh hoạt và điện gia đình dân dụng
Để lựa chọn Aptomat phù hợp, cần căn cứ vào những thông số kỹ thuật của thiết bị, cơ bản nhất là thông tin về công suất tiêu thụ của thiết bị để tính toán ra chỉ số chọn Aptomat – cường độ dòng điện phù hợp – theo công thức sau: I=P/U, trong đó:
- P: Công suất tiêu thụ các thiết bị điện.
- U: Hiệu điện thế.
- I: Cường độ dòng điện – Chỉ số chọn aptomat.
Ví dụ: Gia đình bạn dự định mua Aptomat tổng có chỉ số I=63A, dòng điện dân dụng có U=220V → Aptomat có công suất chịu tải là P=63×220=13.860 W. Con số này cho thấy, trong trường hợp tất cả các thiết bị điện nhà bạn sử dụng cùng lúc hoặc sử dụng vượt mức công suất 13.860W sẽ dẫn đến tình trạng quá tải. Chính vì vậy, chúng ta cần biết công suất điện của tất cả thiết bị để lựa chọn aptomat tổng phù hợp.
Ngoài ra nguyên tắc chọn Aptomat cho gia đình là mức dòng điện Aptomat phải tuân theo công thức: IB < In < Iz. Trong đó,
- IB chính là dòng điện lớn nhất của thiết bị điện cần bảo vệ.
- Iz là dòng điện giới hạn cho phép của dây dẫn.
Để chọn được một thiết bị Aptomat chất lượng và phù hợp cần lưu ý một số tiêu chí như sau:
- Dòng điện tính toán hợp lý đi trong mạch
- Dòng điện quá tải
- Tính thao tác có lựa chọn và chọn lọc
Ngoài ra khi lựa chọn Aptomat cần phải căn cứ vào các đặc tính làm việc của phụ tải Aptomat, không được phép cắt khi quá tải ngắn xảy ra trong điều kiện làm việc bình thường.
Trên thực tế tùy theo từng điều kiện và đặc tính cụ thể của phụ tải, nên lựa chọn dòng điện định mức của móc bảo vệ từ 125% đến 150%, hoặc có thể lớn hơn nữa tùy theo dòng điện tính toán của mạch. Sau đó ta chọn Aptomat theo các số liệu kỹ thuật đã cho của nhà sản xuất.
>> Xem thêm: Hướng dẫn cách chọn aptomat cho hộ gia đình chính xác nhất
Cách đấu và lắp Aptomat an toàn cho thiết bị gia dụng
Cùng Roman tham khảo cách đấu aptomat cho các thiết bị gia dụng sau đây:
- Bước 1: Ngắt nguồn điện và hệ thống điện ở không gian lắp đặt.
- Bước 2: Bắt vít aptomat chống giật vào tủ điện hoặc bảng điện, có nắp đậy.
- Khi bắt vít thì bạn nên bắt vít thật chắc chắn, cẩn thận để không bị lỏng lẻo trong quá trình sử dụng thiết bị điện và đặt đầu line (đầu vào) ở phía trên, đầu load (đầu ra) ở phía dưới.
- Bước 3: Đấu dây điện vào aptomat chống giật: Khi đấu dây điện vào aptomat chống giật thì nguồn AC được gắn vào đầu line, đầu ra thì gắn với phụ tải vào các cọc load. Không nên gắn ngược lại vì sẽ dễ gây chập cháy điện và nguy hiểm cho người sử dụng. Dây nóng phải đấu vào cọc L, dây nguội vào cọc N. Lưu ý, aptomat chống giật không có khả năng chống quá tải phải lắp đặt nối tiếp sau MCB và MCCB để đảm bảo an toàn cho hệ thống khi xảy ra quá tải, quá áp.
- Bước 4: Hoàn thiện lắp đặt: Sau khi lắp đặt xong aptomat không nên chủ quan sử dụng luôn mà cần kiểm tra lại hệ thống điện để xem aptomat chống giật có hoạt động được không để điều chỉnh một cách kịp thời.
Trên đây là những hướng dẫn cách đấu aptomat đơn giản cho các thiết bị điện, Quý khách có thể để lại câu hỏi và nhận tư vấn chi tiết từ Roman – thương hiệu thiết bị điện, thiết bị chiếu sáng đã có 20 năm kinh nghiệm và uy tín trên thị trường, với đa dạng lựa chọn về mẫu mã, công dụng sản phẩm.